Loading...
Tin tức

Những quy tắc lái xe an toàn mà các bác tài phải nằm lòng

Những quy tắc an toàn cơ bản nhưng cũng là quan trọng nhất để các tài xế luôn lái xe an toàn khi di chuyển trên đường.
Những quy tắc lái xe an toàn mà các bác tài phải nằm lòng

An toàn là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi lái xe ô tô. Tuy nhiên, đối với những người mới cầm lái ô tô thường gặp khó khăn trong việc duy trì khoảng cách, chuyển làn nhiều làn liên tục, hay mất tập trung,... dẫn đến các tình huống giao thông nguy hiểm cho mình và những người xung quanh. 

Vì vậy, trước khi lái xe tài xế cần phải nhớ một số nguyên tắc quan trọng để bảo đảm lái xe an toàn. 

Quan sát bảng táp-lô

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất khi lái xe. Bảng táp-lô sẽ cho các tài xế biết tình trạng của xe và thông báo các sự cố bất thường. Trên thực tế, những người mới sẽ dễ gặp phải các trường hợp như quên không hạ phanh tay, không thắt dây an toàn hay đóng cửa kính xe,...  

Quan sát bảng táp-lô trước khi di chuyển.

Khi phát hiện ra các vấn đề này, những chiếc xe mới sẽ phát ra những tín hiệu cảnh báo. Nhưng một số xe chỉ hiển thị thông báo trên màn hình hiển thị thông tin, nếu tài xế không để ý sẽ gây hư hại cho các bộ phận bên trong xe, nghiêm trọng hơn là tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi di chuyển. 

Duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước

Để duy trì khoảng cách an toàn khi di chuyển trên đường, các tài xế nên nhớ quy tắc 3 giây khi đi trên đường trường hay đường cao tốc. Quy tắc này được thực hành như sau, khi đang đi cao tốc, tài xế nên chọn 1 điểm mốc bên đường để canh như cột đèn, biển báo,... rồi bắt đầu đếm đến 3.

Sau khi đếm đến 3 mà xe bạn vừa tới điểm mốc đã chọn thì xe đã tạo được khoảng cách an toàn với xe phía trước. Nếu chưa đến 3 mà xe đã vượt qua điểm mốc này, thì tài xế cần giảm tốc độ lại cho phù hợp.

Giảm tốc độ xuống 1/3 trong điều kiện thời tiết xấu.

Cũng theo quy tắc 3 giây, nếu xe đang di chuyển với vận tốc 60 km/h, tức 16,7 m/s, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước sẽ vào khoảng: 16,7 x 3 = 50,1 m. Trong điều kiện trời tối hay di chuyển trong điều kiện thời tiết mưa, trơn trượt, tài xế nên giảm tốc độ xuống ít nhất 2/3 để bảo đảm an toàn hoặc áp dụng quy tắc 4 giây. 

Không đạp ga thì đặt lên chân phanh 

Không đạp chân ga, tài xế phải chuyển ngay sang chân phanh.

Khi lái xe số tự động, nếu không đạp ga để tăng tốc tài xế phải đặt chân ngay lên chân phanh. Quy tắc này sẽ đảm bảo tài xế có thể phản ứng kịp thời nếu có tình huống bất ngờ xảy ra và cũng tránh được tình huống nhầm chân phanh và nhầm chân ga. 

Quan sát khi chuyển làn, không chuyển nhiều làn cùng một lúc

Các xe cỡ lớn hay cỡ nhỏ đều có các vị trí điểm mù hai bên thân và phía sau xe. Vì vậy khi chuyển hướng hay quay đầu xe, tài xế nên quay đầu nhìn hai bên để theo dõi các phương tiện lưu thông, đảm bảo không có xe nào lọt vào vùng điểm mù.

Không chuyển nhiều làn liên tục.

Ngoài ra, một quy tắc quan trọng khi di chuyển ở tốc độ cao là không được chuyển nhiều làn cùng một lúc, các tài mới thường bị mắc lỗi này. Theo kinh nghiệm lái xe, nếu muốn chuyển làn, tài xế cần phải bật xi-nhan để báo hiệu cho các xe phía sau biết, và chuyển từng làn một một cách an toàn. 

Mở cửa hé, quan sát trước khi bước ra khỏi xe

Mở cửa xe tưởng là chuyện đơn giản, nhưng thực tế nhiều người mới mở cửa không đúng cách có thể gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc. Do vậy, các bác tài nên nắm rõ các quy tắc trước khi mở cửa xe. 

Luôn mở cửa xe an toàn.

Để bảo đảm an toàn, các tài xế nên đỗ xe đúng làn đường, trước khi mở chốt cửa nên quan sát qua gương chiếu hậu và nhìn phía trước, nếu nhận thấy thực sự an toàn mới mở cửa xe. Không nên mở cửa xe mạnh ngay vì có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác đang di chuyển cùng phía. 

Thay vào đó, các tài xế nên tuân thủ quy tắc tay trái giữ tay nắm cửa, tay phải kéo chốt. Mở hé cửa vừa quan sát vừa bước ra khỏi xe. Ngoài ra, với người lái nên nhắc nhở hành khách trên xe khi mở cửa xe để đảm bảo an toàn.

Dừng xe nếu nghe điện thoại hoặc lấy đồ

Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn. Nhiều tài xế bị mất tập trung khi có điện thoại rung lên, hoặc phải với đồ ở ghế sau hay rơi xuống sàn. Nhưng nếu vừa đi vừa làm, những thao tác này sẽ rất nguy hiểm.

Chỉ cần mất tập trung trong vài giây trên đường có thể dẫn đến các vụ tai nạn đáng tiếc. Khi cần nghe điện thoại hoặc lấy đồ, các tài xế nên tấp xe vào lề để nghe máy hoặc lấy đồ, sau đó tiếp tục di chuyển. 

Tin tức liên quan Xem thêm

Tin xem nhiều
Vướng dịch Covid, xe ô tô quá thời hạn bảo dưỡng phải xử lý thế nào?
Những lỗi phổ biến bị trừ điểm và truất quyền trong bài thi sát hạch hạng B2
Top 10 quốc gia sở hữu xe ôtô rẻ nhất thế giới