Phụ nữ nên học bằng lái ô tô B1 hay B2 thì phù hợp?
Bằng lái xe hạng B lại chia ra làm hai loại là B1 và B2, đều cho phép sử dụng ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi và xe tải dưới 3.500 kg. Công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có thể học và thi 2 loại bằng này. Như vậy, điều kiện để thi bằng lái B1 và B2 là hoàn toàn giống nhau: bạn cần phải đủ 18 tuổi và có sức khỏe tốt, đủ điều kiện cơ bản và có giấy khám sức khỏe theo quy định hiện hành.
Đi sâu hơn, 2 bằng này có sự khác biệt về loại xe được lái. Theo thông tư 12/2017/TT-BGTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải, giấy phép lái xe hạng B được chia làm 3 loại: B1 số tự động, B1, và B2.
- Bằng lái xe hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ôtô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe); ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg hoặc ôtô dùng cho người khuyết tật.
- Bằng lái xe hạng B1 (hay còn gọi là bằng B1 số sàn) được cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe), ôtô tải, kể cả ôtô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg, máy kéo kéo một rơ-moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
- Bằng lái xe hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển ôtô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1.
Nói cách dễ hiểu, người có bằng lái B1 chỉ được lái ôtô cá nhân còn bằng B2 cho phép cả lái xe dịch vụ (nghề tài xế, taxi…). Với nhu cầu phần lớn là sử dụng xe gia đình, chị em phụ nữ chỉ cần học bằng lái B1 hay thậm chí là B1 số tự động vì xe số sàn dần biến mất.
Ưu điểm của bằng lái B1
Thời gian học ngắn hơn, thi dễ hơn. Đối với bằng lái xe B1 số tự động, tổng thời gian đào tạo là 476 giờ, bằng B1 là 556 giờ. Trong khi đó, khóa học B2 đòi hỏi đến 588 giờ đào tạo. Các phần thi sát hạch thực hành bằng lái B1 cũng dễ hơn B2 do bài thi dừng và khởi hành xe ngang dốc sẽ khác đi đôi chút.
Về thời hạn, các loại bằng B1 được sử dụng đến khi lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam. Nếu khi cấp bằng mà nữ 45 tuổi trở lên và nam 50 tuổi trở lên thì giấy phép lái xe B1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.
Trong khi đó, bằng B2 chỉ được dùng trong thời gian 10 năm kể từ ngày cấp. Quá thời hạn sử dụng, lái xe cần gia hạn hoặc thi lại để được cấp bằng mới. Bằng B1 thích hợp cho chị em phụ nữ khi chỉ sử dụng xe gia đình và không có nhu cầu chạy xe dịch vụ.
Bên cạnh ưu điểm, bằng B1 cũng tồn tại nhược điểm. Như đã nói, người được cấp bằng B1 không thể lái xe dịch vụ, tức là không thể làm nghề tài xế, lái taxi khi cần. Mức học phí bằng lái B1 cũng cao hơn đôi chút so với B2. Tuy nhiên, các khuyết điểm này không ảnh hưởng quá nhiều đến quyền lợi của người được cấp bằng B1.
Với nhu cầu phần lớn sử dụng xe gia đình, bằng lái B1 thích hợp với chị em phụ nữ hơn bằng B2. Thời gian học ngắn hơn nhưng hạn sử dụng lâu hơn cũng là ưu điểm của bằng B1. Tuy nhiên, nếu chị em có ý định hành nghề dịch vụ vận tải thì bằng lái B2 là phương án bắt buộc.
Tin tức liên quan Xem thêm
- Hướng dẫn "Lái Xe Vào Cua" cho tài mới
- Bí quyết lái xe an toàn ban đêm | 7 Lưu ý quan trọng dành cho người lái mới
- Làm sao để Chốt Giá xe ô tô mới mà không lo bị hớ?
- Top 5 lỗi lái xe thường gặp và cách phòng tránh để lái xe an toàn
- Kỹ năng để chân ga chuẩn xác và kinh nghiệm tránh đạp nhầm chân ga
- Vô lăng bị khóa, nguyên nhân và cách khắc phục
- Một số mẫu ô tô có tới hai nút bấm trên cửa khoang hành lý, tại sao?
- Lưu ý : Ngồi ghế sau trên ô tô không thắt dây an toàn vẫn bị phạt tiền